“Nghệ sĩ không nên sớm hả hê khi bà Nguyễn Phương Hằng bị bắt giữ” vì sẽ mất nhiều hơn là được !!!

“Tất nhiên, nghệ sỹ cũng là con người và họ có quyền thể hiện sự hả hê, sung sướng. Nhưng điều đó không giúp ích gì cho họ, thậm chí còn làm hình ảnh của họ trở nên méo mó. ” – chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long khẳng định.

Tối 24/3, Công an TP.HCM cho biết đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh tạm giam đối với bà Nguyễn Phương Hằng (Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam) về hành vi Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân theo Điều 331, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Sự việc bà Nguyễn Phương Hằng bị bắt giữ sau một chuỗi livestream trên mạng xã hội đã nhanh chóng gây xôn xao dư luận. PV Dân Việt đã có cuộc trò chuyện với chuyên gia truyền thông kỳ cựu Nguyễn Ngọc Long về vấn đề đang trở thành tâm điểm này.

"Nghệ sĩ không nên sớm hả hê khi bà Phương Hằng bị bắt giữ" - Ảnh 1.
Chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long. (Ảnh: NVCC)

Là một chuyên gia truyền thông theo dõi khá sát sao những vụ việc liên quan tới bà Nguyễn Phương Hằng, anh có bất ngờ trước thông tin bà Hằng bị bắt giam mới đây?

– Tôi không bất ngờ bởi biết việc này chắc chắn sẽ xảy ra. Mang sự việc của bà Hằng ra xét xử công bằng là cần thiết để trả lại sự nghiêm minh cho luật pháp, mặc dù cá nhân tôi đã từng rất ngưỡng mộ bà Hằng vì những việc tốt bà làm được.

Khi theo dõi cái gọi là chuỗi livestream của bà Nguyễn Phương Hằng, có thể thấy những hành động của bà từ việc có mục đích, có đối tượng, dần trở nên vô cùng khó hiểu. Người xem sẽ tự hỏi rốt cuộc không biết bà ấy đang làm gì, những việc bà ấy làm có gì liên quan với nhau và nhằm mục đích gì? Mọi thứ bị rối loạn và dần dần trở nên không có điểm dừng.

Cũng bởi vậy, việc bà Hằng bị tạm giam là hoàn toàn dễ hiểu, dù mức độ sai phạm của bà tới đâu chúng ta cần chờ kết luận của cơ quan điều tra.

Sau khi bà Hằng bị bắt, nhiều nghệ sĩ đã đăng đàn bày tỏ sự vui mừng, họ cho rằng mình phần nào đã được minh oan. Anh đánh giá thế nào về hành động này?

– Những hành động đó không giúp ích gì cho họ, thậm chí còn làm hình ảnh của họ trở nên méo mó. Tất nhiên, nghệ sỹ cũng là con người và họ có quyền làm như vậy. Hỉ nộ ái ố, đó là cảm xúc cá nhân. Nhưng phát biểu như vậy có khôn ngoan không, thì câu trả lời của tôi chắc chắn là không.

Thứ nhất, trong bất kỳ khủng hoảng nào, công chúng đều sẽ chia phe. Những người ủng hộ nghệ sĩ đó thì dù họ có nói gì, làm gì, người ta vẫn nghe theo. Ở chiều ngược lại, những người không ủng hộ cũng khó có thể tác động. Bản chất của việc xử lý khủng hoảng trên truyền thông thực tế là việc tác động vào nhóm ở giữa.

Trong vụ việc này, điều công chúng nhắc tới nhiều nhất là việc bà Hằng tố cáo nghệ sĩ “ngâm tiền từ thiện”, “từ thiện không minh bạch”. Ai cũng thấy một thực tế là đã có nghệ sĩ “ngâm tiền từ thiện” và đa số nghệ sĩ không đưa ra được câu trả lời thuyết phục về sự minh bạch, với một số tiền không nhỏ. Dù bà Hằng có bị bắt hay không, điều đó làm sao có thể thay đổi?

Thứ hai, điều quan trọng hơn, trong những vụ tranh cãi trên truyền thông, luôn có một vấn đề cần giải quyết là bạn phải hành xử như thế nào khi đối phương thua cuộc? Khi bạn thắng trong một cuộc phản biện, bạn càng cần có những hành xử văn minh. Theo dõi trên truyền thông những ngày vừa qua, tôi cho rằng cựu cầu thủ Công Vinh đã làm được điều này. Mặc dù trước đó, Thủy Tiên – Công Vinh được coi như “người có mâu thuẫn trực tiếp”, Công Vinh cũng từng nhiều lần phản ứng với bà Hằng, nhưng khi bà Hằng gặp nạn, cách trả lời truyền thông của Công Vinh lại rất chuẩn mực. Anh ấy nói một cách khôn ngoan: “Chúng tôi tin vào sự nghiêm minh của pháp luật”. Chỉ vậy thôi, là đủ.

Việc hả hê, sung sướng không mang lại điều gì, trái lại, những nghệ sĩ đó còn “mất điểm” trong mắt những người có tư duy văn minh, nhìn nhận sự việc này ở vị trí khách quan, trung lập.

"Nghệ sĩ không nên sớm hả hê khi bà Phương Hằng bị bắt giữ" - Ảnh 2.
Bà Nguyễn Phương Hằng trong một buổi livestream. (Ảnh: FBNV)

Trong một cuộc trò chuyện với Dân Việt vào năm ngoái, anh cho rằng việc những nghệ sĩ đâm đơn kiện trước khi xử lý khủng hoảng truyền thông không đem lại hiệu quả. Nhưng hiện tại, nhìn nhận theo một cách khác, nếu không có việc các nghệ sĩ đồng loạt đăng đơn kiện, có thể tới giờ bà Hằng vẫn đang livestream và chia sẻ trên Facebook về họ?

– Điều này còn cần chờ đợi xem tòa án sẽ xử lý bà Hằng dựa trên hành vi nào. Việc vỗ ngực quá sớm có khi lại gây thiệt hại cho chính các nghệ sĩ, khi mọi thứ chưa hề rõ ràng. Bản thân tôi không thay đổi quan điểm này, bởi như đã nói ở trên, việc nghệ sĩ cần làm là truyền thông cho những đối tượng trung lập có thiện cảm với mình.

Những buổi livestream của bà Phương Hằng đã từng rất thu hút công chúng trên mạng xã hội. Thậm chí, một livestream của bà từng xô đổ kỷ lục của game thủ chimsedinang để trở thành livestream có số lượt xem trực tiếp đông đảo nhất tại Việt Nam. Mặc dù, nội dung trong các buổi livestream này thường vô căn cứ. Theo anh, nguyên nhân của điều đó là gì?

– Livestream của bà Hằng thu hút là bởi bà dám làm những điều chưa ai làm, những thứ chưa có tiền lệ. Thêm nữa, bà Hằng nói tới một loạt người khác nhau, thông thường đều là những nghệ sĩ nổi tiếng, nên nó nhanh chóng tạo thành sự cộng hưởng.

Thứ 3, không thể không nói tới là những câu chuyện về “khối tài sản lớn”. Sự giàu có của bà Hằng, số tiền từ thiện bị “ngâm” lên tới 14 tỷ đều dễ khiến dư luận xôn xao.

Vụ việc bà Nguyễn Phương Hằng bị bắt giữ cũng để lại cho chúng ta nhiều bài học về cách sử dụng mạng xã hội trong thời đại 4.0. Là một chuyên gia truyền thông, theo anh, những bài học đó là gì?

– Đúng vậy. Đó chính là điều nên được nhắc tới nhất lúc này. Việc đúng hay sai đã có pháp luật quyết định. Cái chúng ta cần nhìn nhận triệt để nhất chính là những bài học mà vụ việc này để lại.

Thứ nhất, có một lằn ranh rất mong manh về tự do ngôn luận. Tự do của người này hoàn toàn có thể xâm phạm tự do của người khác. Trong thời đại 4.0, chúng ta có công cụ để dễ dàng lan tỏa tiếng nói của chúng ta tới hàng ngàn, hàng triệu người (tùy vào sức ảnh hưởng). Tuy nhiên, sự tự do đó không phải vô giới hạn. Việc bà Phương Hằng bị bắt chính là ví dụ cụ thể cho điều đó.

Thứ hai, bất kỳ ai cũng hoàn toàn bình đẳng trước pháp luật. Công chúng vẫn hay nói “thượng tôn pháp luật” nhưng đôi khi lại đặt ra tiêu chuẩn “kép” và chia sẻ với nhau trên mạng xã hội rằng “người giàu họ nói gì chẳng đúng”. Ranh giới giữa cái xấu, cái tốt, cái đúng, cái sai là rất mỏng manh.

Cá nhân nào cũng có thể vi phạm pháp luật. Đừng bao giờ đặt trong đầu thứ suy nghĩ ngây thơ rằng vì người đó giàu nên họ nói gì cũng đúng, bởi người đó tốt, người đó từng làm việc thiện mà họ hành động luôn chuẩn mực.

Cảm ơn những chia sẻ của anh!

Theo https://danviet.vn/nghe-si-khong-nen-som-ha-he-khi-ba-phuong-hang-bi-bat-giu-20220326114404193.htm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Previous post Đến chăm bạn thân sinh con mượn máy nhắn cho chồng, đọc tin nhắn đáp lại tôi lạnh run người
Next post “Nghệ sĩ không nên sớm hả hê khi bà Nguyễn Phương Hằng bị bắt giữ” vì sẽ mất nhiều hơn là được !!!
error: Content is protected !!